Nếu đã một lần đến du lịch Huế thì chắc hẳn những công trình lăng tẩm là những địa điểm du lịch để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng du khách. Và, tiêu biểu cho những công trình công phu, tuyệt tác ấy chính là Lăng Khải Định –đại diện cho kiến trúc vô cùng táo bạo, độc đáo, đại diện cho sự kết hợp hài hòa giữa các dòng kiến trúc Á – Âu- Việt, giữa nét cổ điển và hiện đại đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hãy cùng Saigon Star Travel tìm hiểu về tuyệt tác kiến trúc đương thời này nhé!
Giới thiệu chung về Lăng Khải Định
Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng Khải Định được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931), kéo dài 2 đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con mình là Bảo Đại. Dù là công trình lăng có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình lăng tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm Triều Nguyễn.
Lăng Khải Định
Lăng Khải Định ở đâu?
Lăng Khải Định thuộc địa phận xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Nơi đây cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km
Bản đồ đường đi đến Lăng Khải Định
Lăng Khải Định giá vé
Giá vé tham quan lăng Khải Định hiện đang được áp dụng như sau:
Khách nước ngoài
- Đối với người lớn: 80.000
- Đối với trẻ em từ 7 đến 12 tuổi: 20.000 đ
Khách Việt Nam
- Đối với người lớn: 55.000đ
- Đối với trẻ em từ 7 đến 12 tuổi: 10.000đ
Tổng quan Kiến trúc Lăng Khải Định
Lăng Khải Định được khởi công xây dựng vào ngày 4-9-1920 và kéo dài trong suốt 11 năm, tiêu tốn biết bao công sức và tiền của mới hoàn tất và đưa vào sử dụng. Đây là kết quả của những bàn tay tài hoa, của những thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng trên khắp cả nước, tiêu biểu như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng…Đặc biệt là sự đóng góp của nghệ nhân Phan Văn Tách – tác giả của ba bức bích họa “Cửu long ẩn vân” treo trên trần ba gian giữa của cung Thiên Định.
Lăng Khải Định, tuy với diện tích khá khiêm tốn (khoảng 1 ha) nhưng lại mang những nét độc đáo, táo bạo, khác hẳn với kiến trúc lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn trước đó.
Ngày thường tại Lăng Khải Định
Về vật liệu và đồ trang trí, lăng Khải định được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa sắt, thép, xi măng và ngói Ardoise của Pháp và đồ sành, đồ sứ, thủy tinh màu của Trung Hoa và Nhật Bản .Tuy không nhất nhất tuân theo tôn chỉ của một trường phái kiến trúc nhất định nào, nhưng đó chính cách kết hợp táo bạo ấy đã mang lại những giá trị vô cùng khác biệt và giá trị.
Trong 7 lăng tẩm của các đời vua nhà Nguyễn, ta hiếm có thể tìm được công trình nào hội ngộ đủ những đặc điểm kiến trúc của cả Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique và Roman với những dấu ấn rõ nét như: cổng trụ hình tháp ảnh hưởng bởi kiến trúc của Ấn Ðộ; trụ biểu dạng Stoupa của Phật giáo; hàng rào mang hình dạng những cây Thánh giá của đạo thiên chúa; những hàng cột bát giác và vòm cửa theo phong cách Roman biến thể. Đây chính là một minh chứng mang tính chất tuyệt tác khi nền văn hóa Đông – Tây đang có sự giao thoa lẫn nhau, trên nền giao thời của lịch sử dân tộc.
Cung Thiên Định
Có thể nói, cung Thiên Định – kiến trúc chính bên trong lăng Khải Định là nơi mang nhiều giá trị nghệ thuật quan trọng nhất. Cung này ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây. Công trình này gồm 5 phần liền nhau:
- Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng;
- Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định;
- Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới;
- Trong cùng là khám thờ bài vị của vua.
- Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.
Án thờ vua Khải Định ở điện Khải Thành
Nếu bạn đang phân vân không biết chọn địa điểm nào để khám phá trong đợt nghỉ lễ sắp tới, hãy đến ngay với lăng Khải Định để chiêm ngưỡng sự hoà hợp trong công trình kiến trúc vô cùng lộng lẫy và tráng lệ “có một không hai”này nhé!
- Xem thêm: Tour Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm máy bay