Tết Trung Thu là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, được công nhận là “Tết thiếu nhi”, nên vào dịp này, trên đường phố người ta thường thấy rất nhiều đèn lồng, đèn ông sao, trống, mặt nạ, đầu sư tử… đều là những món đồ chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, Trung Thu cũng là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang cho mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị. Nhưng có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ về sự tích huyền bí cũng như phong tục của ngày tết Trung Thu, chỉ biết vào ngày này trăng sáng nhất, tròn nhất và mọi người quây quần bên mâm cỗ. Sau đây là một vài các hoạt động thú vị mà bạn nên thử để có một Trung Thu ý nghĩa và nồng ấm nhất
Rước đèn Trung Thu
Rước đèn Trung Thu là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, diễn ra vào đêm Rằm tháng Tám âm lịch. Khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn chiếc đèn lung linh được rước trên các nẻo đường, tạo nên một cảnh tượng lộng lẫy và mộng mơ, mang đến niềm vui và khơi dậy tuổi thơ trong lòng mỗi người.
Trong ngày Tết Trăng tròn, rước đèn Trung Thu chủ yếu như một hoạt động vui chơi của trẻ em. Trẻ em có thể tự tay làm đèn Trung thu với những vật dụng đơn giản như khung tre, giấy màu… Đây là cách để trẻ em tạo dựng và thể hiện sự sáng tạo của mình. Tự làm đèn Trung Thu giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng và kỹ năng thủ công, góp phần tạo dựng sự tự tin và sáng tạo trong trẻ.
Rước đèn Trung Thu còn là dịp để tạo ra sự gắn kết gia đình. Cả gia đình cùng nhau tham gia vào quá trình làm đèn và rước đèn, tạo nên không gian sum vầy và tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ. Những chiếc đèn lung linh trên đường phố không chỉ là niềm vui của trẻ em mà còn là biểu tượng tình yêu thương và sự đoàn kết của gia đình, tạo nên một khung cảnh ấm áp và đầy tình thân.
Bày mâm cỗ Trung Thu
Tết Trung Thu với nhiều hoạt động vui chơi diễn ra như rước đèn, ngắm trăng, múa lân, thưởng thức bánh trung thu thơm ngon và quan trọng không thể thiếu đó là một mâm cỗ cúng trăng. Đây là một việc được người Việt ta chuyển bị rất chu đáo vì mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên.
Mâm cỗ trung thu truyền thống sẽ bao gồm một vài đồ vật như sau:
– Hương (nhang đèn), đèn cầy, gạo, muối, lư hương.
– Mâm cúng tuỳ vào gia chủ đó có thể là món chay hoặc mặn: Xôi, cháo, chè, gà…
– Mâm bánh với nhiều loại bánh trung thu như là bánh nướng, bánh dẻo.
– Mâm ngũ quả thường sẽ do mỗi nhà tự chuẩn bị để mang về nhiều ý nghĩa nhất.
– Hoa tươi đặc trưng mỗi miền.
– Trà dùng khi thưởng bánh, trò chuyện.
– Lồng đèn trung thu.
Làm đồ chơi cho trẻ em chơi trung thu
Tết Trung Thu ngoài là dịp để gia đình đoàn viên còn là đêm hội với những trò chơi vui nhộn dành cho trẻ em. Nhắc đến không khí tết Trung thu thì không thể không kể đến những món đồ chơi tuổi thơ vô cùng ý nghĩa.
Chỉ bằng những vật dụng đơn giản như: giấy, lon, chai nhựa, tre, keo dán, màu vẽ… và một chút khéo léo, bạn có thể làm những món đồ chơi vô cùng dễ thương cùng với bé để bé thể hiện được sự sáng tạo và học thêm một số kỹ năng.
Làm bánh trung thu
Trước tình trạng an toàn vệ sinh đang ở mức báo động như hiện nay, nhiều người, nhiều nhà đã tự tìm hiểu cách làm bánh trung thu để vừa có bánh ngon thưởng thức vào đêm Trung Thu, vừa đảm bảo về vấn đề sức khỏe. Đây cũng là hoạt động gắn kết tình thương của các thành viên trong gia đình lại với nhau, cùng nhau làm những chiếc bánh vừa xinh vừa ngon lại vô cùng ý nghĩa.
Làm bánh Trunng Thu là hoạt động vô cùng ý nghĩa để gắn kết tình thân
Ngắm trăng rằm tháng 8 tròn và sáng nhất
Ở Việt Nam, trăng có một ý nghĩa rất to lớn của đất nước có nền văn hóa lúa nước. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời. Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ thì các gia đình sẽ sum vầy trên ban công hay tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng rằm. Dưới ánh trăng sáng các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại “chú Cuội ngồi gốc cây đa” cho con mình nghe.
Ngắm trăng tròn đêm Trung Thu
Hát trống quân
Hát trống quân là dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sống trong xã hội nông nghiệp lúa nước, và đặc biệt vào dịp lễ Tết Trung Thu, người dân cũng thường tổ chức hát trống quân ở đình làng hoặc ngay ở sân nhà gia chủ. Những người hát hay, ứng đối giỏi trong vùng được mời đến hát, mọi người cũng có thể tham gia. Tuy nhiên đây thường được coi là sân chơi của tầng lớp cao tuổi, nên những người trẻ tuổi cũng ít tham dự.
Hát trống quân
Múa lân
Phong tục múa lân là hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu, khôn không chỉ là một bộ môn nghệ thuật dân gian mà múa lân còn là lời chúc an khang thịnh vượng cho tất cả các ngày còn lại trong năm. Múa lân thường được tổ chức vào trước Tết Trung Thu, những đêm 12, 13 tháng 8 Âm lịch và nhộn nhịp nhất vào ngày 14, 15 Âm lịch những chú lân xuất hiện vào đêm Trung Thu như một lời chúc may mắn, xua điềm xấu kéo điềm may cho mùa màng bội thu, cây trái đâm chồi, cả năm khởi sắc. Cứ đến Trung thu, ở đâu vang lên tiếng trống, tiếng hò reo vui mừng của mọi người thì ở đó sẽ có những chú lân và những điệu múa sôi động xuất hiện.
Với sự kết hợp tinh tế giữa những động tác uyển chuyển và nhịp điệu nhịp nhàng, múa lân Trung Thu không chỉ mang lại niềm vui và phúc lộc, điềm lành cho mỗi gia đình, mà còn góp phần làm nên bầu không khí đặc biệt trong ngày hội Trung Thu.
Múa lân là hoạt động không thể thiếu mùa Trung Thu
Tặng quà cho nhau dịp Tết Trung Thu
Trung thu là Tết Thiếu Nhi và cũng là Tết Đoàn Viên, là dịp mà các thành viên trong gia đình ngồi quây quần quần lại bên nhau dưới ánh trăng vừa trò chuyện gửi trao yêu thương vừa thưởng thức tách trà cùng bánh trung thu. Đây là dịp bày tỏ sự yêu thương tới gia đình, bạn bè bằng những món quà và những lời chúc ý nghĩa để tạo sự gắn kết, giúp mọi người vui vẻ hơn trong ngày Trung Thu.
Quà tặng có thể đa dạng tùy vào sở thích và có nhiều ý nghĩa riêng nhưng đều có một mục đích là tạo sự vui vẻ, gắn kết với những người yêu thương lại với nhau.
- Trẻ em thì tặng bánh kẹo sách vở, đèn lồng kèm lời chúc “ mau ăn chóng lớn “
- Người già thì tặng trà, tặng vòng kèm lời chúc “ sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào”
- Phụ nữ thì tặng hoa, trang sức kèm lời chúc “ luôn luôn trẻ đẹp”
- Bạn bè đồng nghiệp thì tặng áo tặng sách kèm lời chúc “ sự nghiệp thành công” …
Hi vọng thông qua bài viết CÁC HOẠT ĐỘNG THÚ VỊ TRONG TẾT TRUNG THU của Saigon Star Travel, các bạn đã trang bị thêm cho mình những kiến thức thú vị về ngày lễ Tết Trung Thu. Chúc các bạn có một Trung Thu tràn đầy niềm vui và ý nghĩa bên gia đình và người thân.