Du lịch Phan Thiết luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách, đặc biệt là vào thời tiết oi nóng của mùa hè. Nơi đây ngoài biển còn có rất nhiều địa điểm thu hút, bạn đã biết hết chưa? Một trong số đó là Chùa Liên Trì – một ngôi chùa gắn liền với văn hóa Phật giáo của người dân Phan Thiết. Hãy cùng tìm hiểu về địa điểm du lịch Phan Thiết này trong bài viết dưới đây bạn nhé.
Chùa Liên Trì ở đâu?
– Chùa Liên Trì Phú Quốc tục gọi là Chùa Tre, được tạo dựng vào đời Lê Cảnh Hưng (1740), tọa lạc tại thôn Long Đàm, Tổng Trung, Huyện Hòa Đa, xứ Phan Thiết, Phủ Bình Thuận, nay là Phường Đức Nghĩa, Thành Phố Phan Thiết, Bình Thuận.
– Xưa kia, nơi đây là một rừng tre, cây cối um tùm trải dài đến động Làng Thuyền, dân quanh vùng dựng lên một ngôi Chùa tranh để thờ Phật, do đặc điểm của vùng này rất nhiều trong nên dân quen gọi “Chùa Tre”. Theo lời người xưa kể lại, năm 1783 Vua Gia Long trên đường bôn tẩu vào Nam, có ghé đến đây và đã đặt hiệu “Liên Trì Tự”.
Đôi nét về Chùa Liên Trì Phan Thiết
– Vào khoảng năm 1800-1810 Hòa Thượng Đạo Chơn Quang Huy từ Phú Yên vào hoằng hóa Phật pháp nơi đất Bình Thuận. Ngài được dân làng cung thỉnh trụ trì Chùa Liên Trì. Năm Bính Tý 1812 – Gia Long thứ 10, Hòa Thượng Đạo Chơn đúc một quả Đại Hồng Chung cao 1,5 mét. Đại hồng chung này được đúc tại Chùa Triều Tôn, thôn Triều Sơn, phủ Phú Yên do Tổ Tánh Thông Giác Ngộ (Chùa Bát Nhã), Hòa Thượng Linh Nguyên (Chùa từ Quang), Hòa Thượng Chiếu Long (Chùa Linh Sơn Hóc Cát – Phú Yên) chứng minh, Hòa Thượng Chánh Quang và Tăng chúng Chùa Triều Tôn chú nguyện. Năm Tân Hợi 1851, Hòa Thượng Quang Huy viên tịch, Hòa Thượng Đạo tín Hải Chấn kế vị trụ trì. Ngài tậu ruộng (theo khế ước 15 mẫu) để tiếp Tăng độ chúng.
– Theo lời kể của Chư Tăng thì chính Hòa Thượng Hải Chấn đã truyền bá khoa nghi ứng phú đạo tràng đầu tiên tại Bình Thuận và Ngài đã dùng âm điệu tang đẩu Phú Yên cải biên thành tang đẩu Bình Thuận, do đó Chùa Liên Trì trước đây là nơi giảng dạy khoa ứng phú đạo tràng cho Chư Tăng Bình Thuận do Ngài Hải Chấn trực tiếp giảng dạy.
– Hòa Thượng Hải Chấn viên tịch. Kế vị trụ trì là Hòa Thượng Tánh Đức Minh Nghĩa. Năm Tự Đức thứ 9 (1855), Hòa Thượng Tăng Cang Liễu Thành Chơn Giác, đệ tử của Hòa Thượng Tế Tín Chánh trục Chùa Sắc Tứ Từ Ân Gia Định du hóa ra Bình Thuận trụ trì Chùa Liên Trì. Cũng trong năm này Ngài trùng tu lại Chùa Liên Trì, xây dựng thành tường vôi, lợp ngói âm dương, Chùa được kiến trúc theo hình chữ khẩu, phía trước là Chánh điện, cách sân nhỏ phía sau là hậu Tổ, nối liền Chánh điện và nhà Tổ là đông, Tây lang.
– Hòa Thượng Tăng Cang Liễu Thành viên tịch năm Ất Dậu 1885. Kế vị trụ trì là Hòa Thượng Liễu Đoan Tường Vân. Năm Quý Sửu 1913, Hòa Thượng Tường Vân làm Đàn đầu Hòa Thượng giới đàn Chùa Thiền Long (Phong Nẫm). Hòa Thượng Tường Vân viên tịch vào năm này, thọ 93 tuổi.
Tham khảo Tour:
Tượng Phật thờ ở Chùa Liên Trì
– Chánh điện Chùa Liên Trì cũng như các ngôi Chùa xưa ở Bình Thuận, điện Phật được tôn trí trên cao 3 pho tượng Phật Tam Thân bằng đồng cao 1 mét. Tầng dưới thờ Đức Phật Thích Ca và các pho tượng đồng như Quán Thế Âm, Di Lặc, Hộ Pháp, tả hữu thờ Tổ Đạt Ma và Quan Thánh (Sau đổi lại thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng), đối diện hai bên thờ Ngọc Hoàng, Thập Điện, Thánh Mẫu, Tiêu Diện Đại Sĩ … Hầu hết các pho tượng này đều bằng đồng rất quý.
– Trường tồn trong 278 năm cùng sự đi lên của Bình Thuận với 23 đời trụ trì và 3 lần trùng tu, đến nay Liên Trì Tự vẫn giữ được dáng nét của ngôi chùa cổ xưa, không chỉ là một cảnh trí đẹp trên địa bàn khu phố 6 phường Đức Nghĩa (số 3 Nguyễn Văn Cừ – Phan Thiết), giúp các ni sư phật tử vãn chùa có những phút thư giãn tịnh tâm, mà chùa Liên Trì còn là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Bình Thuận còn lưu giữ khá nhiều cổ vật của Phật Giáo như quả Đại Hồng Chung, một số tượng cổ của Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Bồ Tát Quán Thế Âm cùng các thánh hiền, đặc biệt là 3 pho tượng cổ Phật tam thân bằng đồng, một chuông gia trì đời Tự Đức, một bảo chứng, nhiều pháp khí cổ cùng một số liễn đối có giá trị khác.
Chùa Liên Trì là một trong những ngôi Chùa cổ nổi tiếng của Phật giáo Bình Thuận, Chùa đã tồn tại gần 300 năm và gắn chặt trong tâm hồn người Phật tử Thị Xã Phan Thiết, trải qua biết bao thời kỳ suy thịnh của cuộc đời, đến nay Chùa vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình dáng do đó rất có giá trị về mặt văn hóa lịch sử Phật giáo Bình Thuận. Nếu có cơ hội đi Tour du lịch Phan Thiết, bạn hãy một lần ghé thăm ngôi chùa gắn liền với lịch sử này nhé.