Cùng với Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc cũng là điểm đến du lịch Phú Quốc nổi tiếng, minh chứng chân thực về sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng để giành lại độc lập cho dân tộc. Không chỉ thu hút những người say mê lịch sử nói chung mà còn là nơi để tìm hiểu về lịch sử dân tộc nói riêng. Đến với nơi này, du khách mới có thể cảm nhận rõ ràng nhất về sự dã man và tàn độc của đế quốc thực dân trong các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Hãy cùng Saigon Star Travel tìm hiểu địa điểm lịch sử này ngay sau đây
Giới thiệu về Nhà tù Phú Quốc – địa ngục trần gian
Nhà tù Phú Quốc ở đâu?
Nhà tù Phú Quốc là một trại giam nằm ở số 350 đường Nguyễn Văn Cừ, xã An Thới, cách thị trấn Dương Đông khoảng 26Km, phía nam đảo Phú Quốc.
Nhà tù Phú Quốc còn được biết đến với nhiều tên gọi như: Trại giam Tù binh Cộng Sản Phú Quốc hay Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc. Thời kỳ Chiến tranh Đông Dương, nơi đây được gọi là Nhà lao Cây Dừa. Đây là trại giam trung tâm toàn Việt Nam Cộng Hoà. Tại đây giam giữ hơn 32.000 tù binh, tính cả tù nhân chính trị nhiều thời kỳ có thể lên đến 40.000 người.
Trại giam từng giam giữ kỷ lục lên đến 40.000 tù binh
Chứng tích của thời kỳ Chiến tranh tàn khốc
Thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam, tù binh tại đây đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn dã man như: đóng đinh vào chân, tay, đầu; nung dây kẽm châm vào da thịt; đục răng, trùm bao đổ nước sôi hoặc lửa than; thiêu sống, chôn sống,… Tính từ 1967 đến 1973, tại đây có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người thương tật, tàn phế chỉ trong chưa đầy 6 năm.
Nơi đây đã tra tấn hàng ngàn người tù nhân chết hoặc tàn phế
Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được Bộ VH-TT công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1995
Đường đi đến Nhà tù ở Phú Quốc
Bạn có thể đi phượt xe máy từ Thị trấn Dương Đông đến đây. Trên đường đi bạn sẽ đi qua nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc như: Vườn tiêu Phú Quốc, Vườn Sim và cơ sở sản xuất Rượu sim Thành Long, Trung tâm Bảo tồn Chó Phú Quốc, KDL Suối Tranh, …
Bản đồ đường đi đến Nhà Tù Phú Quốc
Lịch sử Nhà Tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc lịch sử thời Pháp thuộc
Năm 1953, thực dân Pháp đóng quân tại Nam đảo Phú Quốc xây dựng nhà tù khoảng 40 ha gọi là Trại Cây Dừa. Nơi đây giam giữ gần 14.000 tù binh, hầu hết là các tù binh cộng sản bị Pháp bắt từ các chiến trường Bắc, Trung, Nam bị tập trung về đây.
Cũng như những nơi khác trong chiến tranh Đông Dương, các tù nhân ở đây tổ chức đấu tranh, đàn áp và vượt ngục. Sau hơn 1 năm có đến 99 tù nhân chết, 200 người vượt ngục.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Pháp trao trả hầu hết tù binh ở trại này cho Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà. Từ đây, cơn ác mộng kinh hoàng mới được bắt đầu và dã man hơn
Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc thời Mỹ – Nguỵ
Sau khi thực dân Pháp trao trả quyền quản lý cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thì vào cuối năm 1955, một trại giam được xây dựng tại địa điểm Căng Cây Dừa cũ. Diện tích ban đầu là 4 ha, đặt tên là Trại huấn chính Cây Dừa, hay còn gọi là Nhà lao Cây Dừa. Trại có các nhà giam phân tách nam, nữ, người cao tuổi.
Trong suốt thời gian này, có nhiều tù binh được đưa đến đây, trong đó có cả tù nhân chính trị. Nhiều người bị bắn chết khi vượt rào, một số khác bị đưa về đất liền đày ra Nhà tù Côn Đảo. Những hình thức tra tấn dã man cũng được sử dụng lên những người chiến sĩ làm cho hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn người bị thương tật và tàn phế không thể chữa khỏi. Trở thành một địa ngục trần gian vô cùng thảm khốc của sự hy sinh dân tộc Việt Nam ta dưới sự áp bức, tàn độc của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp mỗi khi nhắc đến
Nhiều mô hình được tái hiện lại đầy đủ
Tham quan khu Nhà tù Phú Quốc có gì?
Những khu vực giam giữ chính tại Nhà tù Phú Quốc
Trại giam Phú Quốc được chia thành 12 khu được đánh số từ 1 đến 12 (khu 13 & 14 đến cuối năm 1972 mới được xây dựng). Mỗi khu có sức chứa khoảng 3000 tù binh.
Mỗi khu lại được chia thành nhiều phân khu, thường là 4 phân khu A, B, C, D. Mỗi phân khu có 9 phòng giam cách nhau 100m, chứa 950 tù binh và 2 phòng biệt giam, thẩm vấn. Tất cả các nhà giam được xây dựng bằng tôn thiếc kiên cố, nền bằng đất tráng xi mang để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Để canh gác khu trại giam, xung quanh mỗi khu giam có một pháo đài canh gác có đặt súng đại liên và nhiều lính canh gác, vô cùng chặt chẽ không thể thoát ra ngoài
Những nhà giam trong phân khu
Phân khu B2
Trong các phân khu, phân khu B2 là nơi dành riêng để giam giữ các sĩ quan. Là phân khu vô cùng quan trọng tái hiện sống động nhất về trại giam Phú Quốc. Tù nhân có cấp bậc lớn nhất bị giam tại đây là Thượng tá. Ngoài ra cũng có một trại giam tù binh hình sự ở phường Dương Đông, mặt tây của đảo. Đây còn thường giam giữ những tù nhân thường bị kết án trên 10 năm trở lên.
Phân khu B2 tái hiện chân thật lịch sử tàn khốc của nơi đây
Một số khu như:
- Cổng trại giam phân khu B2: với nhiều lớp rào kẽm gai, có quân cảnh bảo vệ xung quanh
- Phòng biệt giam B2: với diện tích 9x3m, vách được làm bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, nền tráng xi mang và có lưới rào dây kẽm vô cùng sắc nhọn. Nơi đây được tái hiện các cảnh tượng tra tấn tù binh bằng chày, giày đinh, chôn sống,…
- Vọng gác (chòi canh)
- Chuồng cọp nhà tù Phú Quốc: chiều dài khoảng 2m, chiều rộng và cao khoảng 0.5m, đặt ngoài trời và làm bằng kẽm gai, bên trong có tù binh bị giam giữ
- Hàng rào kẽm gai: hệ thống dây kẽm gai sắc nhọn, được quấn thành nhiều lớp
- Dãy nhà ăn, nhà vệ sinh, khu bếp: nơi các tù binh đang nấu ăn (được phục dựng bằng những mô hình) và cảnh cai ngục bắt tù binh dọn dẹp
- Khu giam giữ và tra tấn tù binh: được đánh số từ 1-18, tái hiện cuộc sống sinh hoạt, cuộc đấu tranh chống đàn áp, các hình thức tra tấn và đường hầm được đào để vượt ngục,…
Vọng Gác ở nhà tù Phú Quốc
Ghé thăm nhà tù phân khu B2, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những mô hình tái hiện lại chi tiết. Tất cả đem đến cho bạn cái nhìn rõ nét hơn về những tội ác của thực dân và tinh thần bất khuất của chiến sĩ ta trong thời chiến.
Một số hạng mục còn lại của di tích nhà tù Phú Quốc.
Ngày nay nhà tù đã trở thành Di tích lịch sử tại Đảo Ngọc. Đây cũng là nơi tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Một số hạng mục còn sót lại của nhà lao Cây Dừa:
- Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh: được làm bằng lõi trụ sắt và gạch đặc, 2 trụ vuông 2 bên, được phục dựng giống với bản gốc
- Cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh: cổng này được di dời vào bên trong, cách điểm cũ khoảng 15m, sát đó có bảng tóm tắt về Tiểu đoàn quân khu 7 quân cảnh
- Cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam: được làm bằng bê tông cốt thép, mái lợp tôn và cửa sổ bằng gỗ, cổng chính thì làm bằng các thanh sắt và dây kẽm gai
- Nghĩa địa tù binh
- Nhà thờ Kiến Văn
- Nhà trưng bày di tích với 43 hiện vật và 100 hình ảnh tư liệu về lịch sử của nhà tù Phú Quốc cùng các hình thức tra tấn, kỷ vật của tù binh
- Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim: được thiết kế với hình ngọn sóng mạnh mẽ ở hai bên, ở giữa là hình khối nhọn khoét rỗng hình ảnh chiến sĩ với ý nghĩa đặc biệt “những con người ra đi từ nơi ấy”
Nhiều loại hình tra tấn tàn bạo
Chi phí tham quan nhà tù Phú Quốc
Bạn sẽ không phải chi trả bất kì khoản phí nào cho giá vé tham quan. Tuy nhiên, nếu muốn lắng nghe thuyết minh nhà tù Phú Quốc về những câu chuyện lịch sử chi tiết hơn, bạn nên thuê hướng dẫn viên và có thể trả cho họ tiền tips. Bạn sẽ gặp nhiều hình ảnh ghi lại những hình thức tra tấn dã man của bọn thực dân. Bạn sẽ không khỏi xúc động, xót xa khi được chứng kiến và lắng nghe thuyết minh viên trình bày. Đó chính là những tội ác của thực dân đế quốc, cũng là những nỗi đau thể xác mà các chiến sỹ ta từng phải gánh chịu.
Với ý chí kiên cường, các chiến sĩ không những không khuất phục trước kẻ địch, mà còn dũng cảm mưu trí đã đối phó với chúng. Với nhiều hình thức đấu tranh: từ im lặng, ngủ địch, diệt ác ôn đến cả việc tổ chức vượt ngục, cứu mình và những tù binh khác… Tất cả đều hiện lên rõ nét, bạn có thể tìm hiểu khi đến tham quan nhà tù Phú Quốc.
Xót xa khi nghe kể lại những nỗi đau của các chiến sỹ thời chiến
Các nhục hình man rợ ở nhà tù Phú Quốc
“Trong Chiến tranh Việt Nam, tù binh chiến tranh tại Trại giam tù binh Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống… Trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973) trại giam tù binh Phú Quốc, có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế…” (Theo số liệu thống kê từ Wikipedia)
Sau đây là một số nhục hình tại nhà tù Phú Quốc theo lời kể của các cựu tù nhân:
“Đóng kim”
Dùng những cây kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay.
“Chuồng cọp kẽm gai”
Loại chuồng cọp làm toàn bằng dây kẽm gai, được đan chằng chịt xung quanh và trên nóc. Chuồng cọp này đặt ở ngoài trời trong phân khu. Mỗi phân khu có đến hai, ba chuồng cọp – loại nhốt 1 người và loại nhốt 3-5 người. Kích thước chuồng cọp rất đa dạng, có loại cho tù nhân nằm trên đất cát, có loại buộc tù nhân phải nằm trên dây kẽm gai, có loại chỉ nằm hoặc đứng; có loại chỉ ngồi lom khom; loại phải đứng lom khom, không đứng thẳng được mà ngồi xuống thì sẽ phải ngồi trên dây kẽm gai. Tù nhân phải cởi áo, quần dài, chỉ được mặc quần cụt để phơi nắng, phơi sương, dầm mưa suốt ngày đêm.
Nhục hình chuồng cọp kẽm gai ở nhà tù Phú Quốc
“Ăn cơm nhạt”
Mỗi ngày địch phát cho tù binh một ca nước, hai nắm cơm nhỏ. Trước mỗi bữa ăn, địch đánh tù binh mỗi người 5-10 gậy với lý do để máu lưu thông. Tù nhân không được ăn muối, sau hai tháng mắt sẽ bị mờ, sau 5-6 tháng liền có người bị mù hẳn.
“Lộn vỉ sắt”:
Các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau và lật ngửa làm “đường băng sân bay” rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi. người tù bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, sau vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả.
“Gõ thùng”:
Lấy thùng phuy úp lên tù nhân đang ngồi xổm, rồi gõ vào thùng. Tù nhân sẽ bị đau đầu, sẽ bị điếc vì tiếng gõ mạnh và sức ép không khí. Cũng bằng cách gõ vào thùng phuy đổ đầy nước, bên trong thùng là tù nhân. Kiểu tra tấn này có thể khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước.
“Đục răng” và “bẻ răng”:
Kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gãy văng ra.
“Roi cá đuối”:
Giám thị dùng những chiếc roi cá đuối dài, đem phơi để đánh tù. Trước khi bị đánh, tù nhân phải cởi áo để bị đánh vào da thịt trần. Roi cá đuối thường quấn lấy thân nạn nhân, rồi giật ra, làm da thịt bị đứt theo. Giám thị sau đó có thể lấy muối ớt xát vào da thịt nạn nhân. Đầu năm 1970, phái đoàn Hồng Thập Tự Quốc tế khi đến thị sát nhà tù Phú Quốc đã bắt gặp một chiếc roi cá đuối dính máu khô.
“Đóng đinh”:
Những chiếc đinh 3 phân được dùng để đóng vào các ngón tay của tù binh trong quá trình tra tấn. Mỗi lần bị đóng đinh, xương ngón tay của người tù bị vỡ nát. Ngoài ra còn có loại đinh 7, 8 phân hoặc cả tấc để đóng vào thân người tù ở các vùng: cổ chân, khớp vai, mắt cá, ống quyển, đầu. Có người bị đóng đinh đến chết, sau này khi bốc mộ vẫn còn đinh găm trong hài cốt.
Ngoài ra còn có những nhục hình tàn bạo khác nữa như:
- Lấy bao bố trùm lên người tù rồi ném vào chảo nước sôi. Ba người tù ở phân khu C6 đã bị luộc chết.
- Dùng bóng đèn công suất lớn để sát mặt người tù trong thời gian dài cho nổ con ngươi.
- Dùng lửa đốt miệng, bộ phận sinh dục.
- Chôn sống tù nhân
Sự tồn tại 6 năm cùng với những mất mát đau thương, hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương. Nhà tù Phú Quốc là điểm đến để lại nhiều cảm xúc cho du khách khi đến đây. Ngày nay nhà tù còn được xây thêm khu trưng bày trong nhà và ngoài trời với nhiều hiện vật còn nguyên giá trị lịch sử càng bộc lộ rõ nét những năm tháng ấy.
Để hiểu thêm lịch sử cũng như tham quan những chứng tích tội ác của chế độ thực dân phong kiến xâm lược tại nhà tù Phú Quốc này, Hãy đăng kí ngay tour hà tiên phú quốc 3 ngày 3 đêm để có một cái nhìn chân thực hơn về sự hy sinh lớn lao của những vị chiến sĩ cách mạng này nhé
Nhà tù Phú Quốc với những câu chuyện lịch sử hào hùng chắc chắn sẽ khiến chuyến Du lịch Phú Quốc của bạn thêm phần thú vị. Đừng bỏ lỡ địa điểm này khi bạn có cơ hội đến thăm Đảo Ngọc nhé!