Tết Trung thu là tết đoàn viên, là ngày mà các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Nhưng có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Vậy hãy cùng Saigon Star Travel lội ngược thời gian, quay trở về quá khứ để cùng nhau lý giải nguồn gốc, ý nghĩa và những điều thú vị về Tết trung thu các bạn nhé! Chắc hẳn những thông tin dưới đây sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
Tết Trung thu là gì? Các tên gọi khác của Tết Trung thu
Trung thu có nghĩa là giữa mùa thu hay còn được gọi là Rằm tháng Tám, thường được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 08 Âm lịch hằng năm. Bên cạnh đó, Trung thu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Tết trông trăng, Tết thiếu nhi, Tết đoàn viên, Tết hoa đăng,…Mỗi một cái tên lại gắn liền với một ý nghĩa riêng biệt.
Nguồn gốc của Tết Trung thu
Có rất nhiều truyền thuyết về ngày Tết Trung thu cho nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ai có thể khẳng định chính xác nguồn gốc của Tết Trung thu.
Chẳng hạn như trong sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính có chép rằng: Ở Việt Nam theo tài liệu ghi lại, tết Trung thu là ngày vua Lý tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.
Hay trong văn hóa Trung Hoa có sự tích về Dương Quý phi (Dương Ngọc Hoàn), người có nhan sắc khuynh thành, được Đường Huyền Tông sủng ái. Tuy nhiên, triều thần cho rằng do vua quá say đắm nàng mà bỏ bê triều chính, nên đã ép vua ban cái chết cho nàng. Sau khi Dương Quý phi mất, vua nhớ thương da diết. Cảm động trước tình cảm này, các nàng tiên đã quyết định đưa vua lên trời gặp lại Dương Quý phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Sau khi trở về trần gian, vua lấy ngày rằm tháng Tám để tưởng nhớ nàng phi của mình.
Nhưng mà phổ biến nhất phải kể đến Sự tích Hằng Nga Hậu Nghệ và Sự tích Chú Cuội cung trăng. Ngoài ra còn có chuyện khác kể rằng vào đêm rằm tháng Tám âm lịch, gió mát trăng thanh, vua Đường Minh Hoàng dạo chơi vườn Ngự Uyển. Nhà vua đang say mê thưởng thức cảnh đẹp thì được đạo sĩ La Công Viễn dùng phép tiên đưa lên cung trăng. Ở đó cảnh trí vô cùng đẹp đẽ, tiếng đàn hát du dương, ánh sáng huyền diệu, các nàng tiên múa hát trong những bộ xiêm y đủ màu sắc. Nhà vua say mê đến mức quên cả thời gian, gần sắc đạo sĩ nhắc thì nhà vua mới ra về trong niềm luyến tiếc. Về tới trần gian nhà vua cho chế khúc Nghê Thường Vũ Y, cứ đến đêm rằm tháng Tám lại mở tiệc ăn mừng, nghe nhạc, đọc thơ và thưởng nguyệt.
Ý nghĩa của Tết Trung thu
Tuy có nhiều sự tích về nguồn gốc Tết Trung thu nhưng nói chung đây là dịp tôn vinh vẻ đẹp trăng rằm và mong cầu cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. Trong suốt hàng ngàn năm, con người luôn tin rằng có sự liên kết giữa cuộc sống và ánh trăng.
Tết trung thu mang nhiều ý nghĩa hơn cái tên của nó. Đó là ngày lễ để trẻ em được tung tăng vui chơi, gặp gỡ nhau, cùng nhau phá cỗ rước đèn, tận hưởng ngày lễ dành riêng cho mình. Hơn thế nữa, đây còn là dịp mọi người quây quần nói chuyện cùng nhau, là ngày để mọi người gần gũi nhau hơn.
Ngày tết trung thu này cũng là ngày lễ của dân tộc, là nét văn hóa dân gian mang hơi thở truyền thống, thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc, là một nét đặc trưng của đất nước. Cho đến bây giờ, người dân vẫn duy trì tổ chức tết Trung thu hàng năm vào ngày rằm tháng 8 nhưng ít nhiều đã làm hao hụt đi những giá trị truyền thống ngày xưa. Không còn những đoàn rước đèn rộn rã mà thay vào đó là những tấm ảnh check in với khu phố đèn lồng nhiều màu sắc. Và một điều đáng buồn khác là đèn lồng truyền thống đã và đang bị những loại đèn hiện đại khác thay thế. Vì vậy, chúng ta không chỉ phải duy trì ngày tết trung thu mà còn cần bảo tồn những giá trị vốn có của nó, cần giữ cho ngày tết đúng với ý nghĩa ban đầu để mang lại một ngày tết trọn vẹn cho tuổi thơ.
Rước đèn ngày lễ Trung Thu
Những điều thú vị không phải ai cũng biết về Tết Trung thu
Bánh trung thu từng là phong thư chiến tranh
Người xưa kể lại rằng vào cuối thế kỷ 14, khi đạo quân người Hán đang kháng chiến chống lại triều đình Nguyên Mông, bánh Trung thu đã được sử dụng như một phương tiện để cất giấu mật thư liên lạc. Bởi vì những chiếc bánh Trung thu cổ truyền này được rao bán công khai khắp mọi nơi vào dịp Tết Trung thu, nên chúng không bị nghi ngờ và giúp cho những thông điệp quan trọng được truyền tải một cách an toàn.
Từ đó, bánh Trung thu đã trở thành một biểu tượng văn hóa, thể hiện sự kiên trì và sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại bọn xâm lược. Và cho đến ngày nay, bánh Trung thu vẫn được xem là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Bánh Trung Thu là biểu tượng văn hóa không thể thiếu
Lý giải tại sao tết trung thu thường ăn bưởi
Trong ngày Tết Trung thu, bưởi thường được coi là một món ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc gia đình. Nhưng ít ai biết rằng, việc ăn bưởi trong dịp Tết Trung thu không chỉ có ý nghĩa về mặt ẩm thực mà còn mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình và may mắn.
Theo một số nguồn tư liệu, từ “bưởi” trong tiếng Hán còn có nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong đó, “bưởi” đồng âm với “Du Tử” có nghĩa là những người xa quê đến nơi khác và nhớ gia đình vào dịp Tết Trung thu. Đồng thời, “bưởi” cũng đồng âm với “Hựu”, tượng trưng cho một cuộc sống bình an và không gian đầy đủ. Ngoài ra, “bưởi” còn đồng âm với “Hữu Tử”, biểu thị sự kỳ vọng và hy vọng về sự sinh sôi, phát triển và tăng trưởng của con cái.
Vì vậy, bưởi không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn mang trong mình những ý nghĩa về gia đình, tình cảm và may mắn. Ở nhiều nơi trên thế giới, bưởi cũng được coi là một loại trái cây đặc biệt, mang trong mình nhiều giá trị dinh dưỡng và sức khỏe.
Bưởi được trang trí trong nâm cỗ Trung Thu
Đèn lồng vẫn đang bị luật pháp cấm chơi ở Hồng Kông
Trong tuyển tập “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân, đèn lồng được miêu tả như một thú chơi tao nhã, tự làm bởi người dân Hà Nội xưa. Tuy nhiên, đến ngày nay, mặc dù có nhiều hình thức đèn lồng khác nhau, từ đèn lồng tre, đèn lồng giấy đến đèn lồng LED, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của Tết Trung thu Việt Nam.
Tuy nhiên, ở Hồng Kông, đèn lồng vẫn đang bị cấm chơi do những mối lo ngại về an toàn. Trước đây, một số người dân Hồng Kông từng có thói quen chơi đùa với lửa trong đêm Trung thu bằng cách tạt nước vào đèn lồng nóng đang cháy, gây ra không ít trường hợp bỏng nặng, nguy hiểm cho cộng đồng. Chính vì vậy, chính quyền Hồng Kông đã đưa vào bộ luật hình sự của thành phố đảo này một quy định đặc biệt – cấm “tác động vào sáp nóng” nơi công cộng. Mặc dù đèn lồng vẫn là một phần không thể thiếu trong nét đẹp truyền thống của Tết Trung thu, nhưng để đảm bảo an toàn cho mọi người thì cần tuân thủ theo quy định.
Đèn lồng bị cấm ở Hongkong
Ngay cả NASA cũng thuộc lòng sự tích trung thu
Trung Thu là một ngày tết truyền thống quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Tết Trung Thu cũng có một số nguồn gốc và truyền thuyết khác nhau, tuy nhiên, truyền thuyết về cặp vợ chồng huyền thoại Hậu Nghệ và Hằng Nga được coi là nguồn gốc lâu đời và được chấp nhận rộng rãi nhất.
Hằng Nga là biểu tượng của vẻ đẹp thanh khiết và dịu mát của mặt trăng đêm rằm. Trong truyền thuyết Trung Hoa, khi Hằng Nga uống phải thang thuốc trường sinh của chồng, nàng đã trở nên bất tử nhưng không thể ở lại dưới trần gian. Vì vậy, Hằng Nga và chú thỏ ngọc chỉ có thể sống trên mặt trăng lạnh lẽo.
Truyền thuyết này đã trở thành một phần của văn hóa Trung Thu và được NASA đề cập trong nhật ký liên lạc với phi hành đoàn Apollo 11. Trước khi đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969, phi hành đoàn Apollo 11 đã hứa sẽ để mắt tìm kiếm cả Hằng Nga và chú thỏ trên mặt trăng. Chi tiết thú vị này đã được ghi lại trong lịch sử và cho thấy ảnh hưởng của truyền thuyết Trung Hoa trên cả thế giới.
Trung thu là khoảng thời gian để dự đoán thời tiết trong tương lai gần
Theo truyền thống, mặt trăng trong đêm Trung Thu có thể giúp người ta dự đoán thời tiết và mùa màng trong năm tiếp theo. Nếu mặt trăng trong đêm Trung Thu có màu vàng, thì mùa màng sẽ phát triển mạnh và giàu có. Ngược lại, nếu mặt trăng nghiêng về màu hơn, thì mùa màng sẽ không như mong đợi. Ngoài ra, người xưa cũng tin rằng mặt trăng trong đêm Trung Thu có màu cam sẽ mang lại an ninh, hòa bình và phát triển mạnh mẽ cho đất nước trong năm tiếp theo.
Trên đây là nguồn gốc, ý nghĩa và những điều thú vị về Tết Trung thu mà Saigon Star Travel tìm hiểu được. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện hơn về Tết trung thu cũng như chúc bạn và gia đình sẽ có một mùa trung thu sắp tới thật nhiều niềm vui và ý nghĩa. Còn chần chờ gì nữa mà không lên kế hoạch đi du lịch vào mùa thu này và tận hưởng một cái Tết Trung thu trọn vẹn bên gia đình. Saigon Star Travel sẽ luôn đồng hành cùng bạn.