Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang – một ngôi chùa mang nét kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, đây là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại vùng đất Tiền Giang sông nước. Vậy điều gì khiến ngôi chùa này nổi bật và thu hút như vậy? Hãy cùng Saigon Star khám phá Vĩnh Tràng tự ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu về chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất khu vực tỉnh Tiền Giang, nơi đây được xếp hạng là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia vào năm 1984. Nét đặc biệt của chùa Vĩnh Tràng là mang kiến trúc giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây hội tụ từ các quốc gia trên thế giới như Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chăm, hòa quyện với những công trình nghệ thuật đậm chất Việt Nam truyền thống vô cùng tinh xảo.
Được xây dựng từ rất lâu, chùa Vĩnh Tràng cũng đã trải qua biết bao thăng trầm và nhiều đời truyền thừa, trùng tu, ngôi chùa này ngày càng gây ấn tượng cho du khách gần xa bởi quy mô bề thế, uy nghiêm. Tiếng lành đồn xa, nơi đây thu hút rất nhiều Phật tử và du khách thập phương đến chùa hành hương, khấn bái, cầu an.
Thời gian mở cửa: 7h sáng – 21h tối
Giá giữ xe tham khảo: 5.000 VNĐ/xe
Toàn cảnh chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang nhìn từ trên cao
Chùa Vĩnh Tràng ở đâu?
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, phường 8, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Để di chuyển đến chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ phải di chuyển khoảng 70km. Bạn có thể lựa chọn hướng quốc lộ 1A để đến trung tâm thành phố Mỹ Tho. Hoặc thông qua cao tốc Trung Lương, bạn chỉ mất 1 tiếng rưỡi để đến với thành phố Mỹ Tho.
Sau đó, từ trung tâm thành phố Mỹ Tho bạn sẽ đi khoảng 4.3km để đến chùa Vĩnh Tràng. Sau đây là hướng dẫn đường đi cụ thể được tham khảo từ Google Maps:
- Đi thẳng đường Ấp Bắc đến vòng xoay Ấp Bắc – Nguyễn Trãi – Trần Quốc Toản – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
- Sau đó bạn đi thẳng qua bùng binh hướng đường Nguyễn Trãi.
- Đi thẳng đường Nguyễn Trãi rồi qua cầu Nguyễn Trãi đến đường Nguyễn Văn Giác
- Đi thẳng đến ngã ba cuối đường, bạn rẽ trái vào đường Nguyễn Trung Trực.
- Đến công viên Vĩnh Tràng, ở ngã ba đầu tiên rẽ trái khoảng 300m là du khách sẽ đến chùa Vĩnh Tràng.
Nên ghé thăm chùa Vĩnh Tràng vào thời gian nào?
Nếu du khách muốn có một chuyến du lịch tâm linh trọn vẹn, du khách nên vãng cảnh chùa vào đầu năm khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi tiết xuân ấm áp. Bạn có thể viếng chùa kết hợp với du xuân đầu năm năm để cầu an cho gia đình.
Tuy nhiên, đây cũng là mùa du lịch cao điểm và thường hay xảy ra tình trạng đông đúc và giá cả vật chất tăng cao. Vì vậy, nếu bạn thích không gian tĩnh lặng, trang nghiêm cùng tiết kiệm chi phí cho chuyến đi, thì có thể lựa chọn thời gian khác trong năm để viếng chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang.
»»» Xem thêm các địa điểm khác ở Tiền Giang qua bài viết Khám phá 5 địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn nhất
Lịch sử chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Chùa bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 bởi ông bà Bùi Công Đạt. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am, làm nơi tề tựu những ngày về hưu của ông bà Tri huyện và cũng là nơi để tu hành.
Đến năm 1894, sau khi ông Đạt quy tiên, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) được mời về trụ trì. Sau đó thầy đã tổ chức xây dựng với nhiều sự giúp đỡ của các đạo hữu. Nơi đây thành ngôi đại tự và được đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Cái tên chùa Vĩnh Tràng sau này được người dân quen gọi.
Năm 1907, Hòa thượng Trà Chánh Hậu cho sửa chữa phần chánh điện, pha trộn cả nét kiến trúc Á – Âu, ngay cả khu mặt tiền và sân khu thiên tĩnh cũng được tôn tạo. Năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng cho trùng tu toàn diện để chùa có diện mạo như ngày hôm nay. Trải qua nhiều đời truyền thừa, chùa Vĩnh Tràng ngày càng rộng lớn và gây ấn tượng với du khách bốn phương đến đây hành hương, tham quan.
Nét cổ kính Á- Âu của chùa Vĩnh Tràng
»»» Tham khảo: Tour Miền Tây 1 ngày – ghé thăm Chùa Vĩnh Tràng
Kiến trúc độc đáo của chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo kiến trúc Á- Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm). Nhưng vẫn mang đậm kiểu kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam và được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán tự, gồm 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. Ngôi chùa có diện tích 14000m² (dài 70m, rộng 20m) đều được làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh cũng được xây tường vững chắc.
Chùa Vĩnh Tràng còn được tô điểm thêm bởi những nét kiến trúc Khmer lẫn phương Tây vô cùng đặc trưng. Nhưng tổng quan thiết kế chủ đạo của ngôi chùa vẫn mang đậm cái hồn kiến trúc Việt Nam với khung gỗ truyền thống, mái lợp âm dương…
Khu vực bên trong chùa
Bên trong kiến trúc chùa Vĩnh Tràng, chánh điện và nhà tổ được thiết kế đậm nét kiến trúc Việt Nam với nhiều bao lam, hoành phi, tượng gỗ và câu đối cẩn bằng miểng chai nổi màu sắc óng ánh trông rất đẹp. Các tác phẩm nghệ thuật này được tập trung, sưu tầm từ các nghệ nhân ba miền Bắc, Trung, Nam, qua đó nhận ra toàn bộ vẻ đẹp của chùa Vĩnh Tràng đều xuất phát từ các giá trị nghệ thuật này.
Các bao lam, tượng gỗ được chạm trổ công phu, tinh tế, tinh xảo và sống động điển hình là bộ bao lam Bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa. Tác phẩm này được ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20, vào năm 1907 – 1908, được những người nghệ nhân địa phương kì cựu chạm khắc, vì vậy bộ bao lam này vừa là bộ phù điêu hiếm có lâu đời, lại vừa mang giá trị mỹ thuật rất cao, điều này càng chứng tỏ nghệ thuật tạo hình ở vùng Nam Bộ đã được xuất hiện từ rất sớm.
Tượng Phật đồng vô cùng quý giá bên trong chánh điện Chùa Vĩnh Tràng
Phía trong gian chánh điện và nhà tổ, nối giữa hai gian này là một hòn non bộ phác hoạ lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam. Đứng ở đây nhìn về gian sau chánh điện, bạn sẽ thấy lối kiến trúc La Mã với những hàng đá hoa màu của Pháp được trang trí trên thành nóc vô cùng tinh xảo. Ngoài ra, ngôi chùa vẫn còn lưu giữ gần 20 bức tranh sơn thủy cổ khác nhau vô cùng quý báu, mang giá trị vật chất lẫn tinh thần.
Hòn non bộ phác hoạ cảnh thiên nhiên sinh động Việt Nam
Chưa hết, đi vào từng gian du khách sẽ đắm chìm vào không gian nhuộm sắc hoàng kim bởi một màu vàng óng ánh được thếp trên các tượng và hình chạm vô cùng đặc biệt. Những chi tiết này vừa là điểm nhấn cho không gian chùa vừa để phòng chống mối mọt. Đặc biệt hơn, trong chánh điện còn có đôi long trụ, to bản bằng gỗ quý hiếm theo kiểu “thượng thu hạ cách”. Nét đẹp của đôi long trụ này là thiết kế độc đáo với chim phượng đứng trên đầu rồng.
Hai bên phía tường của chánh điện chùa Vĩnh Tràng còn được bày trí bộ tượng 18 vị La Hán, trên tay các vị đều cầm bảo bối và cưỡi thú. Các bức tượng này được tạc từ gỗ mít, mỗi bức tượng cao khoảng 0.8m cùng bề ngang gối là 0.58m.
Bên ngoài chánh điện, du khách sẽ được ngắm nhìn các lối kiến trúc đan xen nhiều phong cách quốc gia khác nhau như hoa văn kiểu Phục Hưng, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp hay gạch men Nhật Bản tổng thể tạo nên một tuyệt tác. Đây cũng là lý do ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất khu vực miền Tây nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung.
Các khu vực xung quanh chùa Vĩnh Tràng
Trước chùa có 2 cổng Tam quan kiểu võ quy mô tráng lệ được xây dựng năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Trên cổng tam quan này độc đáo bởi nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục,… vô cùng ấn tượng và đặc sắc.
Cổng chùa Vĩnh Tràng được thiết kế tinh xảo và đặc sắc
Trong khuôn viên rộng lớn của ngôi chùa còn có nhiều công trình như Phật đài A di đà, chánh điện chính, đài quan âm, vườn tháp, phòng phát hành kinh sách,… Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có sân kiểng trồng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, hồ nước ngát hương sen và nhiều cây cổ thụ cao lớn và vườn cây ăn trái luôn rợp bóng mát. Sự kết hợp hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên xanh mát cùng lối kiến trúc uy nghiêm tạo nên một không gian vừa an yên vừa cổ kính cho ngôi chùa Vĩnh Tràng.
Những bức tượng đồng Quan Âm, Phật Di Đà, Thế Chí được xây dựng vào những năm của thế kỷ 19, đi kèm với bảy bộ bao lam in hình Bát Tiên, Mặt Trăng và Mặt Trời là những bức tượng vô giá của chùa Vĩnh Tràng. Đây không chỉ là nét đặc sắc của kiến trúc, điêu khắc mà nó còn thể hiện đức tin của các Phật tử vào tôn giáo của mình.
Các tháp mộ trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng
Các pho tượng lớn ở Vĩnh Tràng Tự Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng có khoảng 60 bức tượng Phật đặc sắc được làm bằng gỗ, đồng hoặc đất nung… góp phần tạo nên vẻ đẹp uy nghi của chùa. Nổi bật trong số đó phải kể đến:
- Tượng Phật Thích Ca nằm: Tượng Phật được hoàn thành vào năm 2013 với chiều dài 32m, cao 10m, nặng khoảng 250 tấn bằng chất liệu bê tông cốt thép. Tượng Phật được thiết kế nằm với tư thế kiết tường. Sắc thái khuôn mặt vô cùng nhẹ nhàng và an lạc khiến du khách thập phương đều cảm thấy thư thái và yên bình khi đến đây.
Tượng Phật nằm trong Vĩnh Tràng tự
- Tượng Phật Di Lặc: Bức tượng được khánh thành vào năm 2010 làm từ bê tông, cốt thép. Tượng có chiều dài 27m, rộng 18m, cao 20m và nặng 250 tấn được tôn trí ngồi giữa khuôn viên chùa với nụ cười hiền hậu. Bên trong tượng còn được tận dụng để thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang và giảng đường cùng nơi nghỉ, phục vụ cho 200 người.
Tượng Phật Di Lặc cười hiền hoà cùng khung cảnh xung quanh vô cùng an tịnh
- Tượng Phật A Di Đà: Pho tượng đứng được khánh thành từ năm 2008. Tượng có chiều cao 24m (bệ 6m, tượng 18m) và nặng 150 tấn đứng nổi bật giữa hoa viên chùa, được xem là biểu tượng của chùa, với ngụ ý Phật đang đứng trông nom chúng sinh các cõi.
- Tòa tháp cao 7 tầng: Tòa lầu tháp nằm ở phía sau ngôi chùa, tòa cao 7 tầng và là nơi lưu giữ những tro cốt của chư tăng, Phật tử trong chùa.
Hàng ngày, chùa Vĩnh Tràng đón tiếp hơn một ngàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và chiêm bái. Một địa chỉ du lịch không thể thiếu khi du khách đến Tiền Giang vì thế mùa du lịch hè đang cận kề, bạn hãy đến với chùa Vĩnh Tràng trong Tour Lục Tỉnh Miền Tây 3 Ngày 2 Đêm. Nếu còn gì chưa rõ về điểm đến hãy liên hệ với Saigon Star để được tư vấn rõ hơn nhé!