Mỗi năm cứ vào rằm tháng 7 âm lịch, lòng người lại hướng về một ngày lễ lớn. Đó là ngày lễ Vu Lan báo hiếu – dịp để thể hiện lòng biết ơn, báo hiếu với công ơn sinh thành của cha mẹ, ông bà tổ tiên. Vậy bạn đã biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ lớn này là gì chưa ? Cùng Saigon Star Travel tìm hiểu sâu hơn về ngày lễ Vu Lan này nhé
Lễ Vu Lan là lễ gì?
Lễ Vu Lan hay còn gọi là Lễ Báo Hiếu là một ngày lễ lớn trong năm vô cùng quan trọng và thiêng liêng trong Phật giáo và phong tục Việt. Lễ Vu Lan là dịp để những người con bày tỏ lòng biết ơn và báo hiếu đối với công ơn sinh thành của cha mẹ và tổ tiên của mình. Đặc biệt, Lễ Vu Lan trùng với Rằm tháng 7 (lễ Xá tội vong nhân) – ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân không nơi nương tựa
Lễ Vu Lan 2023 là ngày mấy?
Lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm Lịch hàng năm. Vì vậy lễ Vu Lan năm 2023 rơi vào thứ 4 ngày 30 tháng 8 Dương lịch.
Lễ Báo Hiếu Vu Lan có nguồn gốc từ đâu?
Theo truyền thuyết dân gian, ngày lễ Vu Lan có nguồn gốc từ câu chuyện cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ của Đại đức Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong những đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca. Sau khi đạt được chính quả, Ngài liền đi khắp cõi giới để tìm mẹ mình là bà Thanh Đề. Vì được khai mở ngũ căn lục thông nên Ngài đã tìm thấy được mẹ đang đoạ lạc nơi địa ngục thống khổ, cơm không có để ăn bởi những nghiệp ác bà đã gây ra lúc sinh thời
Vì thương xót mẹ, Mục Kiền Liên đã mang cơm đến và mong bà vơi đi cảnh đói khát. Bà Thanh Đề khi còn sống tâm tham quá nặng nề, dù bị đày xuống địa ngục cũng không thoát khỏi lòng tham. Nghiệp quá nặng nên khi cơm vừa đến miệng thì bỗng hóa thành lửa đỏ. Quá đau lòng trước tình cảnh ấy, Mục Kiền Liên đã cầu cứu tới Đức Phật mong tìm cách cứu mẹ. Mặc dù Ông có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu rỗi mẹ mình. Chỉ có thể nhờ sự hợp lực của các vị mười phương chư Phật, chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng và thiết lễ Vu Lan Bồn vào ngày Rằm tháng Bảy. Cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ
Tuân theo lời dạy của Đức Phật mà mẹ của Mục Kiền Liên đã thoát khỏi kiếp địa ngục. Tôn giả cảm kích vô cùng và từ đó khuyến khích chúng sinh nhân gian hàng năm tổ chức lễ cúng Vu Lan vào Rằm Tháng Bảy và tụng kinh Vu Lan Bồn để báo hiếu tới cha mẹ. Từ sự tích trên mà hình ảnh Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành hình tượng tuyệt đẹp của Phật giáo. Và ngày Vu Lan báo hiếu vào ngày Rằm tháng Bảy cũng từ đó mà ra đời.
Tích truyện Mục Kiền Liên cứu mẹ là nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu
Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan
Ngày lễ Vu Lan là dịp để tôn vinh tình mẫu tử và lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ và tổ tiên. Đây là cơ hội để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp và hy sinh của cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta. Đặc biệt, người Việt xem trọng đạo hiếu, thế nên lễ Vu Lan đã nhanh chóng trở thành ngày lễ lớn và những hoạt động trong ngày lễ này còn nhắc nhở mỗi người quý trọng những ngày tháng còn được bên cha mẹ và làm tròn chữ hiếu, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục
Ngày nay Đại lễ Vu Lan còn được hiểu với ý nghĩa rộng hơn đó là kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, tri ân và đền ơn bốn nguồn ân đức là cha mẹ, thầy cô, các bậc tiền bối dựng xây nước nhà và cuối cùng là đồng loại con người.
Lễ Vu Lan với nhiều ý nghĩa đặc biệt và sâu sắc đối với đạo làm con của mỗi người
Các hoạt động trong Vu Lan mùa hiếu hạnh
Đi chùa cầu an cho cha mẹ
Trong ngày lễ Vu Lan, những người con thường đưa cha mẹ đến chùa để cùng cầu bình an, sức khoẻ và quên hết mọi sân si, phiền muộn trong cuộc sống. Với những ai không còn cha mẹ, thì có thể đến chùa để cầu xin Đức Phật chỉ đường dẫn lối cho cha mẹ mình được siêu thoát, an nghỉ nơi suối vàng
Đi chùa cầu an cho Cha Mẹ ngày Vu Lan
Hoạt động thả đèn hoa đăng
Đây là một nghi thức truyền thống không thể thiếu trong lễ Vu Lan. Nghi thức này có nguồn cội từ Phật giáo. Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa được thiết kế khá tỉ mỉ và thắp sáng bởi một ngọn nến – biểu tượng của ánh sáng thiện lương. Nhằm mục tích tôn vinh những giá trị tinh thần, tâm linh và văn hoá của người Việt.
Với mùa Vu Lan thì đèn hoa đăng còn manng ý nghĩa nhắc nhớ con người về đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện tấm lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên. Mỗi ngọn đèn hoa đăng được thắp lên là một lời cầu nguyện với tâm niệm thiện lành, siêu độ vong linh và gia đình an phúc
Hoạt động thả đèn hoa đăng vô cùng ý nghĩa của lễ Vu Lan báo hiếu
Nghi lễ bông hồng cài áo ngày Vu Lan
Trong dịp lễ Vu Lan, khi đến chùa các Phật Tử sẽ được cài lên ngực áo một bông hoa hồng, Trong đó, màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hoa đỏ thì được nhắc nhở hãy hết lòng vâng lời, hiếu kính với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ được nhắc nhớ không quên ơn cha mẹ dưỡng dục, đồng thời giữ vững nề nếp, gia phong, anh em thuận hoà
Nghi thức này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng qua cuốn sách của ông vào năm 1962. Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của mùa Vu Lan báo hiếu. Đồng thời, còn là việc thể hiện tình cảm, sự kính trọng và biết ơn với các bậc sinh thành
Nghi thức “Bông hồng cài áo” ngày lễ Vu Lan – đây như một cách để những người con bày tỏ lòng biết ơn, sự hiếu kính với cha mẹ.
Chuẩn bị Mâm cỗ cúng ngày Vu Lan
Chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày Vu Lan là một phần quan trọng của nghi thức tôn vinh và kính trọng cha mẹ cũng như tổ tiên trong ngày lễ này. Lễ cúng Vu Lan ở mỗi nhà thường được thực hiện theo các khoá lễ: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và sau cùng là cúng thí thực chúng sinh
Mâm cỗ lễ Vu Lan truyền thống thường bao gồm: cháo loãng, gạo, muối, cơm trắng, canh, nước lẫ, xôi, chè (các loại chè), khoai (khoai lang, khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, hương hoa, quần áo.
Cúng Vu Lan còn có ý nghĩa quan trọng không phải ở chỗ mâm cao, cỗ đầy mà còn ở thái độ và lương tâm của mỗi con người đối với tổ tiên của mình
Cúng Lễ Vu lan (rằm tháng 7) là một dịp quan trọng, đây là lúc các gia đình thể hiện lòng thành kính đức Phật và báo hiếu gia tiên.
Những điều không nên làm trong ngày lễ Vu Lan
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn khi các vong linh ở địa ngục được trở về dương gian. Do đó bao gồm cả lễ Vu Lan, sau đây là những việc kiêng kỵ trong tháng này:
- Hạn chế mua sắm
- Tránh đi chơi đêm
- Không nhổ lông chân
- Không phơi quần áo ngoài trời vào lúc chiều và buổi tối
- Không tắm, bơi lội dưới sông, ao hồ
- Kiêng việc khai trương, mở cửa hàng, xây nhà, cưới hỏi
- Không sát sinh để tránh đau ốm và gặp phải những điều không may
- Không nên gây gổ, làm điều xấu
Mùa Vu Lan là một dịp để tỏ lòng biết ơn, thể hiện lòng hiếu thảo và tôn trọng đối với tổ tiên, cha mẹ và những người đã có công nuôi dưỡng chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta nên thực hiện những hành động này không chỉ trong ngày lễ mà suốt cả cuộc đời.
Công ơn của cha mẹ không thể đong đếm được. Những năm tháng mệt mỏi, vất vả nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta mỗi ngày, làm sao chúng ta có thể đền đáp hết? Tuy nhiên, những việc làm nhỏ bé, tình cảm chân thành và lòng hiếu thảo luôn là cách tốt nhất để chúng ta thể hiện lòng biết ơn. Chúc mọi người trên thế gian này luôn nhớ về những giá trị thiêng liêng này và cùng nhau chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương. Một mùa Vu Lan tràn đầy tình cảm và ý nghĩa