Ai đã từng đi qua dải đất miền trung mà không đứng lại ở vẻ đẹp hoài cổ của Hội An đâu. Hội An đẹp từ kiến trúc đến con người, đâu cũng từng là những ký ức thời gian của một thương cảng sầm uất, mang một nét trầm buồn, tĩnh mặc. Cùng Saigon Star Travel, khám phá cảnh đẹp Hội An có gì hay mà khiến con người ta phải đắm say, đi quên lối.
Hội An có gì hay?
Hội An có rất nhiều cảnh đẹp để bạn có thể khám phá không hết một ngày. Ngoài những nét hoài cổ đặc trưng của những ngôi nhà mái ngói phủ rêu xanh hay tràn ngập sắc đỏ của đèn lồng thì Hội An còn có những hoạt động thú vị khác mà bạn không thể bỏ lỡ
1. Đi thuyền khám phá Hội An trên sông Thu Bồn
Đến Hội An, vào ngay giữa lòng phố cổ là con sông Hoài chảy vào thơ mộng. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người chèo thuyền đưa du khách trải nghiệm trên sông. Bất kể khi nào bạn đến, đều có thể trải nghiệm dịch vụ lãng mạn này. Để phục vụ nhu cầu ngắm bình minh hay cảnh đẹp Hội An khi lên đèn nên người lái đò luôn sẵn sàng phục vụ du khách từ sáng sớm cho đến tối khuya.
Giá dịch vụ từ 30.000 đến 50.000 đồng. Bạn sẽ được du ngoạn phố Hội trong vòng 30 phút. Với những đoàn khách đông hơn, mức giá khoảng 100.000 đồng. Đặc biệt vào những đêm hoa đăng. Bạn có thể mua một bông hoa nhỏ với giá 10.000 đồng để thả lên mặt nước cùng chụp những hình lung linh.
Đi thuyền trên sông Thu Bồn
2. Xem hát bài Chòi
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân miền Trung lại rộn ràng bện tranh dựng chòi, kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi. Tại phố cổ Hội An, bài chòi được diễn xướng hàng đêm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia. Không chỉ được nhận quà mà khi tham gia hội bài chòi, du khách cũng sẽ có những tiếng cười sảng khoái khi thưởng thức những câu hát của nghệ nhân
Bài Chòi lưu giữ bản sắc của cư dân bản địa với những giá trị văn độc đáo và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ từ bao đời. Với những giá trị văn hóa đó, Bài Chòi vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
3. Xem show thực cảnh Ký Ức Hội An
Nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử Hội An kết hợp giải trí với hiệu ứng âm thanh, hình ảnh phố cổ Hội An hoành tráng, sinh động thì show Ký Ức Hội An là điểm đến không thể bỏ qua. Chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh Ký Ức Hội An lấy tà áo dài truyền thống Việt Nam làm ngôn ngữ chính, dùng kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại biến hóa tạo nên những bối cảnh cụ thể, công nghệ ánh sáng tối tân và hiệu ứng âm thanh tinh tế để kể lại câu chuyện về Hội An hơn bốn thế kỷ trước với sự sầm uất và duyên dáng của nó.
Màn trình diễn ấn tượng của show Ký Ức Hội An
4. Thưởng thức đặc sản Cao Lầu Hội An
“Ai qua phố cổ Hội An
Ghé thăm Phúc Kiến mà ăn cao lầu”
Vào thế kỷ 17, chúa Nguyễn cho phép giao thương buôn bán ở cảng Hội An, người Hoa, người Nhật đến đây làm ăn, buôn bán và sinh sống cũng là lúc món “cao lương mĩ vị” mang tên cao lầu xuất hiện. Đến Hội An mà không ăn Cao Lầu thì thật sự rất uổng phí, thực khách có thể thưởng thức mì Quảng, cơm gà hay bánh Tổ, bánh Bột lọc, bánh Bèo… ở rất nhiều tỉnh thành của miền Trung, nhưng riêng cao lầu thì chỉ ở Hội An mới có.
5. Chụp hình với hoa giấy
Nếu đặt chân đến Hội An bạn sẽ thấy nơi đây ngập tràn những giàn hoa giấy. Vừa mang lại bóng râm, vừa là nét trang hoàng đặc trưng phố Hội, những giàn hoa giấy còn góp phần mang lại sự lộng lẫy và nét uyển chuyển cho khu phố cổ này và đây gần như trở thành một đặc trưng của Hội An không thể bỏ qua
Hoa giấy đặc trưng Hội An
6. Thăm làng nghề truyền thống
Phố cổ Hội An cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống rất đáng tự hào gồm 5 làng nghề phản ánh rõ nét đời sống, văn hóa con người nơi đây. Khác với hình ảnh phố cổ Hội An trầm mặc không khí tại các làng nghề vô cùng bình dị và gần gũi, tự nhiên, khiến nhiều du khách đến đây đều cảm thấy bình yên. Bao gồm: làng nghề đèn lồng, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng hay làng gốm Thanh Hà, nơi bạn có thể khám phá một Hội An thật khác, một Hội An không ở phố.
Làng nghề đèn lồng
Tham khảo thêm: Đôi nét giới thiệu về Phố Cổ Hội An
Phố cổ Hội An có gì?
1. Chùa Cầu- biểu tượng Hội An
Di tích chùa Cầu – một biểu tượng của Hội An, được vinh hạnh xuất hiện trên tờ tiền polymer 20 ngàn đồng Việt Nam. Đến Hội An mà chưa từng đi qua cầu này là một thiếu sót lớn vì đây là di tích lịch sử tồn tại hơn bốn thế kỷ được các thương nhân người Nhật xây vào đầu thế kỷ 17. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất sáu lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Với ý nghĩa lịch sử và văn hóa thì chùa Cầu sẽ là điểm đến rất hay và lý thú tại Hội An
Chùa Cầu xuất hiện trên tờ tiền polymer 20 ngàn đồng.
2. Nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Tấn Ký (Hội An) xây dựng cách đây 200 năm. Đây là nhà cổ đầu tiên vinh dự trở thành Di sản quốc gia nhiều lần đón tiếp các nguyên thủ, chính khách trong và ngoài nước. Nhà cổ Tấn Ký là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa với Việt Nam với nhiều những báu vật vô giá gắn với tích xưa như: chén Khổng Tử, bộ liễn đối “Bách Điểu”,…
Trải qua thăng trầm lịch sử hơn 200 năm, nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khám phá vẻ đẹp cổ kính của phố cổ Hội An xưa
3. Nhà cổ Quân Thắng
Là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Qua năm tháng, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Đây là một điểm tham quan chính trong hành trình khám phá di sản văn hoá thế giới Hội An của du khách không thể không đến.
Nhà cổ Quân Thắng
Hình ảnh phố cổ Hội An trong mắt du khách nước ngoài
Trong cái nhìn của du khách nước ngoài, phố cổ Hội An đẹp lung linh ở mọi thời điểm. Buổi sáng Hội An hiện nên rõ nét bởi những mảng tường, mái ngói rêu phong cũ kỹ, con đường lát gạch, những ngôi nhà được phủ bởi những giàn hoa giấy đủ màu sắc hồng, đỏ, trắng …tất cả đều lọt vào ống kính của du khách nước ngoài. Về đêm, Hội An khoác một chiếc áo mới, lung linh và huyền ảo.
Mọi con phố, ngôi nhà đều được trang hoàng bằng những chiếc đèn lồng do chính người Hội An làm ra. Dạo bước chầm chậm trên những con phố nhỏ, lắng nghe âm thanh của những con lắc bằng gỗ, tiếng nhạc nơi góc phố của người nghệ sỹ già, tiếng hát bài chòi bên dòng sông Hoài… để thấy một không gian Hội An vừa hư vừa thực.
Phố cổ Hội An về đêm đầy thơ mộng
Đặc biệt vào những đêm rằm hàng tháng, cả thành phố tắt điện, Hội An được soi rọi bởi một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo. Dòng người đi chơi phố mỗi lúc một đông nhưng không ồn ào. Du khách đủ quốc tịch, màu da lặng lẽ đi, lặng lẽ ngắm nhìn và họ hòa mình trong các thú chơi thanh lịch diễn ra trên phố hoặc ghé thăm các cửa hàng, thưởng thức các món ăn đêm.
- Xem thêm: Du lịch Đà Nẵng giá rẻ
Bước đi trên từng con phố nhỏ, bạn như tìm thấy chính mình trong những ngày xưa cũ, những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ trên mảnh đất xa lạ và đầy thân thương này. Hy vọng bài chia sẻ về cảnh đẹp Hội An của Saigon Star Travel sẽ giúp bạn có những trải nghiệm thú vị và khó quên khi ghé thăm nơi đây.