Du lịch Đà Nẵng- Hội An không chỉ có những địa điểm nổi tiếng mà còn có những làng nghề đã tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế thương mại của đô thị và cảng thị Hội An. Cùng Saigon Star Travel tham quan các làng nghề truyền thống ở phố cổ Hội An qua bài viết sau đây nhé!
Làng mộc Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Từ làng nhìn qua bên kia sông là khu phố cổ Hội An. Đây là một vị trí thuận lợi vừa không cách xa trung tâm đô thị, vừa dễ dàng trong việc giao thông – vận chuyển vật liệu bằng đường thủy để phát triển ngành nghề.
Cổng vào làng mộc Kim Bồng (Ảnh: sưu tầm)
Nghệ nhân đang tạo ra những sản phẩm (Ảnh: sưu tầm)
Nghề Mộc của Làng có nguồn gốc từ miền Bắc. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với tài hoa điệu nghệ của mình đã làm nên những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Làng vốn rất nổi tiếng về nghề mộc của mình vì hầu hết các kiến trúc cổ kính của phố cổ Hội An đều do bàn tay tài hoa của cha ông họ dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An.
Các sản phẩm gỗ vô cùng tinh xảo và thẩm mỹ (Ảnh: sưu tầm)
Làng gốm Thanh Hà
Vé vào cổng:
- Trẻ em, học sinh, sinh viên: 15.000đ/người
- Người lớn: 30.000đ/người
Làng gốm Thanh Hà nằm bên sông Thu Bồn, cách khu phố cổ Hội An 3 km về phía tây, có nguồn gốc từ Thanh Hóa, được hình thành từ cuối thế kỷ 15; tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng và đã phát triển rực rỡ vào thế kỷ 16, 17 cùng đô thị Hội An. Gốm Thanh Hà từng là một mặt hàng được mua bán trao đổi khắp các tỉnh miền trung.
Khuôn viên làng gốm Thanh Hà (Ảnh: sưu tầm)
Gốm Thanh Hà nguyên gốc có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men. Phương thức sản xuất truyền thống và cho sản phẩm truyền thống là những vật dụng tròn, được làm từ bàn xoay thủ công, những người làm gốm Thanh Hà hay kết hợp thành một cặp trong quá trình sản xuất. Một người ngồi chuốt gốm trên bàn xoay, người kia đứng, tay nhào đất và chân đạp bàn xoay. Những sản phẩm sau khi chuốt xong được phơi khô trước khi đưa vào lò nung. Sản phẩm chính của gốm Thanh Hà truyền thống là những đồ gia dụng như chén, bát, nồi, chum, vại, bình, lọ…
Những sản phẩm được phơi khô trước khi đưa vào lò nung (Ảnh: sưu tầm)
Sản phẩm đã hoàn thiện với nhiều kiểu dáng và màu sắc (Ảnh: sưu tầm)
Làng rau Trà Quế
Nằm cách trung tâm Hội An khoảng 3 km về hướng Tây bắc và cách TP Đà Nẵng chưa đến 20 km về phía Nam, làng rau Trà Quế hiện có 220 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 héc ta.
Người dân đang thu hoạch rau ở làng rau Trà Quế (Ảnh: sưu tầm)
Người dân làng trồng rất nhiều loại rau thơm, tính sơ qua cũng đã hơn 20 loại rau cả rau thơm và rau xanh vẫn xuất hiện trên mâm cơm thường ngày. Làng gắn liền tên tuổi với những loại rau mang lại sự thơm ngon rất riêng không giống nơi đâu như: tía tô, húng, é… Đến đây, bạn sẽ có cơ hội tự tay mình hái những luống rau thơm để đem về làm quà cho bạn bè, người thân hoặc thử một ngày làm nông dân như chăm bón rau, bắt sâu, cày cuốc đất…
Ảnh: sưu tầm
Thử một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế (Ảnh: sưu tầm)
Làng đúc đồng Phước Kiều
Vị trí của làng nghề: Nằm dọc theo quốc lộ 1A, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ phố cổ Hội An đi khoảng 30 phút ra quốc lộ 1A, đến xã Điện Phương, gần cầu Câu Lâu cũ.
Các sản phẩm đồng ở làng đúc đồng Phước Kiều (Ảnh: sưu tầm)
Làng đúc đồng Phước Kiều là một trong số những làng nghề truyền thống nổi tiếng đất Quảng Nam với các sản phẩm làng nghề như cồng, chiêng, tượng, đỉnh, chuông, nhạc cụ, đồ phong thủy, đồ thờ cúng… bằng đồng.. Đến với làng nghề này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm được chế tác tinh xảo hay mua sắm các vật dụng, quà lưu niệm, mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, đúc đồng truyền thống của làng nghề.
Ảnh: sưu tầm
Nghề làm đèn lồng Hội An
Những chiếc đèn lồng rực rỡ lung linh ở phố cổ Hội An là hình ảnh gắn liền với đô thị cổ, là một phần tạo nên hình thức, không gian và hồn phố cổ Hội An. Nghề làm đèn lồng Hội An được vinh danh là làng nghề tiêu biểu Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng năm 2011. Vậy nhưng, nghề làm lồng đèn ở Hội An lại không có một không gian phường hội, một “làng nghề” cụ thể, mà chỉ có các cơ sở sản xuất lâu đời nằm rải rác như: Tuổi Ngọc, Ngọc Thu hay xưởng của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba.
Ảnh: sưu tầm
Nhìn những chiếc đèn lồng tre mộc mạc và bình dị được làm nên bởi hai nguyên liệu chính là tre và vải bọc nhưng mấy ai thấy hết được sự kỳ công từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến quy trình sản suất đèn lồng, để hoàn thành, chiếc đèn lồng Hội An sẽ được vẽ hay trang trí và cuối cùng là gắn chuôi vào để hoàn thiện sản phẩm. Ngoài những sản phẩm đèn lồng Hội An theo cách truyền thống còn có những loại đèn lồng có thể xếp gọn để thuận tiện cất giữ và dễ dàng mang đi xa.
Những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc và kiểu dáng của đèn lồng Hội An (Ảnh: sưu tầm)
Có thể nói các làng nghề truyền thống ở Hội An là một bộ phận rất quan trọng và không thể tách rời của kho tàng di sản văn hóa Hội An. Nếu có cơ hội khám phá tour Đà Nẵng Hội An, đừng quên ghé qua những làng nghề nổi tiếng này nhé, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng giá dành cho bạn
Nếu bạn có thắc mắc hoặc muốn tham khảo tour đà nẵng kết hợp với các điểm du lịch nổi tiếng thì có thể liên hệ với Saigon Star qua số hotline 0907.422.717 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất