So với món ăn ngày tết của người Bắc, ẩm thực tết của người miền Tây có sự đơn giản, mộc mạc hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mâm cỗ Tết miền Tây ít phong phú và nhàm chán. Ngược lại, nếu có dịp về ăn tết miền Tây, bạn sẽ choáng ngợp bởi những món đặc sản trứ danh, đậm chất quê nhà và lạ miệng. Món ăn ngày tết của xứ miền Tây Nam Bộ Việt Nam này còn đặc biệt ở chỗ được chế biến từ nhiều nguyên liệu “cây nhà lá vườn” quen thuộc. Mang đến rất nhiều sự thích thú cho du khách thập phương.
Cùng Saigon Star Travel tìm hiểu qua bài viết sau để được gợi ý top 5 món ăn trứ danh ngày tết miền Tây. Từ đó giúp bạn am hiểu hơn về văn hóa ẩm thực nếu có dịp khám phá “hành trình trên đất phù sa”.
Lạp xưởng
Vốn được biết đến là món ăn quen thuộc và phổ biến của người miền Nam. Lạp xưởng là đặc sản trứ danh, mà bất cứ ai có cơ hội ăn Tết miền Tây cũng sẽ được thưởng thức. Đặc biệt, vùng đất miền Tây là cái nôi sản sinh ra những cơ sở sản xuất lạp xưởng thơm ngon nhất ba miền. Chỉ cần đặt chân đến Cần Giuộc Long An, bạn đã dễ dàng tìm được nơi bán lạp xưởng tươi “chuẩn vị”.
Bên cạnh lạp xưởng thịt heo, là loại lạp xưởng truyền thống, được làm từ thịt mông, thịt vai hoặc thịt thăn băm nhỏ. Hiện nay, người miền Tây còn sáng tạo thêm nhiều nguyên liệu để làm mới khẩu vị của món ăn. Bạn có thể tìm đến lạp xưởng tôm, lạp xưởng gà nổi tiếng tại tỉnh Sóc Trăng. Với nguyên liệu chính là thịt gà hoặc tôm tươi, cùng rượu mai quế lộ, ngũ vị hương, muối, tiêu, đường,…
Tại Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, những cơ sở sản xuất lạp xưởng thường rất nhộn nhịp vào dịp tết. Ngoài hương vị truyền thống, lạp xưởng tươi Cai Lậy còn có lạp xưởng sa tế và lạp xưởng trứng muối hấp dẫn, mang đến hương vị đa dạng.
Không chỉ có hương vị thơm ngon, lạp xưởng dùng trong ngày tết còn tựa như sâu tiền bao đỏ thể hiện mong ước may mắn, giàu sang trong năm mới!
Lạp xưởng là món ăn luôn phải có trên mâm cỗ tết của người miền Tây
Bánh tét
Ăn Tết miền Tây thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu món bánh tét- đây có thể xem là nhận định của nhiều người bản địa ở đây. Vì bánh tét luôn mặc nhiên có mặt trong tất cả các mâm cỗ, dù bình dị hay cao sang. Món ăn này có nhiều loại khác nhau, mỗi loại có một hương vị đặc trưng, nhưng chỉ cần có dịp ăn một lần là bạn sẽ nhớ mãi.
Không giống như bánh tét ở miền Trung, chỉ “chung thủy” với công thức nhân đậu, thịt heo. Bánh tét miền Tây rất đa dạng về kích cỡ, hoa văn, và có nhiều cách mix nhân khác nhau như: bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân chuối, bánh tét trứng muối…. Bánh tét miền Tây có 2 loại chính là nhân mặn và nhân ngọt. Trong đó, nhân ngọt là loại bánh truyền thống, để cúng gia tiên, chiêu đãi khách đến nhà. Và chúng có mặt ở hầu hết các tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngày nay, món ăn này có cách chế biến ngày càng phóng khoáng, sáng tạo. Người làm bánh còn khéo tay phối nhân để thành hình hoa, chữ Phước – Lộc – Thọ, chữ Vạn, chữ May, chữ Phúc… đến Sóc Trăng bạn có thể tìm cảm giác lạ với bánh tét cốm dẹp. Còn đến Bến Tre đừng quên thưởng thức bánh tét bắp non độc đáo. Hoặc bạn có thể tìm đến bánh tét Trà Cuôn tỉnh Trà Vinh, để chứng kiến cách làm bánh tét trộn nếp cùng rau ngót.
Nếu bánh tét ngọt là niềm tự hào của người dân miền Tây nói chung thì bánh tét lá cẩm là món ăn trứ danh của vùng đất Tây Đô. Món ngon này có màu tím tự nhiên, bắt mắt nhờ nước lá cẩm trộn vào nếp khi gói bánh. Nhân bánh tét lá cẩm Cần Thơ thường có thêm lòng đỏ trứng muối, hương vị béo ngậy.
Bánh tét là món ăn truyền thống, được sáng tạo đa dạng trong cách chế biến
Nem Lai Vung
Ngoài những cánh đồng sen bát ngát nên thơ cùng những hội hè đặc sắc. Thì vùng đất miệt vườn Đồng Tháp còn nổi tiếng với những chiếc nem chua Lai Vung. Đây là món ăn khi thưởng thức sẽ đem lại sự hòa quyện một cách hài hòa của các vị chua – ngọt đậm đà. Đồng thời, nem có màu sắc đỏ hồng, bắt mắt hơn so với các dòng nem chua khác.
Nem Lai Vung là đặc sản trứ danh của Đồng Tháp, và được nhiều người ưa chuộng khi tết đến xuân về. Do đó, món ăn này cũng được liệt kê vào top những món ăn Tết miền Tây.
Nguyên liệu chủ yếu để chế biến nem chỉ đơn giản là thịt nạc, bì heo. Nhưng phải trải qua những đôi bàn tay tài hoa và yêu cầu khắt khe về khâu sơ chế, chế biến tỉ mỉ, chuyên nghiệp, cẩn thận. Việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cũng có những tiêu chuẩn như: Thịt lợn phải lựa phần thịt đùi có nạc thật ngon, dai vừa đủ, phần gân và mỡ được lược sạch. Trong khi đó, bì heo cũng phải được tuyển chọn từ heo mới mổ, bì heo phải sạch, cạo sạch lông xắt sợi mỏng, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm với nước lạnh để đảm bảo độ dai dai, giòn giòn. Ngoài ra, các nguyên liệu khác như lá chuối, lá vông, lá chùm ruột, tỏi, tiêu, ớt,… cũng phải được lựa chọn kỹ lưỡng và lau chùi sạch sẽ.
Nem Lai Vung là đặc sản trứ danh của vùng đất miệt vườn Đồng Tháp và được ưa chuộng trong dịp tết
Củ kiệu tôm khô
Củ kiệu vốn là món ăn “giải ngán” trên mâm cỗ ngày tết của người Việt Nam. Nhưng không giống củ kiệu ở các vùng miền khác chỉ có: hành, tỏi, cà rốt, đu đủ,… đem muối chua. Củ kiệu miền Tây còn có thêm tôm khô. Nên đem đến sự độc đáo, khác lạ. Đây là sự kết hợp giữa vị đậm đà của tôm với vị chua ngọt, hăng nồng của củ kiệu. Món ăn bình dị, dễ làm nhưng rất hấp dẫn trong ngày tết.
Ở miền Tây, củ kiệu được trồng nhiều tại các vùng Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng,… Còn tôm khô sẽ được chọn từ những vùng biển, với nguồn tôm nguyên liệu sẵn có như: Cà Mau, Kiên Giang,…
Khác với người miền Bắc và miền Trung, người miền Nam và Tây Nam bộ không ăn củ kiệu với bánh chưng, bánh tét. Ngược lại, dĩa củ kiệu tôm khô là một món riêng. Một dĩa củ kiệu tôm khô có rắc thêm một lớp đường cát trắng, có khi thêm vài lát hột vịt bắc thảo. Do đó, nếu có cơ hội trải nghiệm ăn Tết miền Tây bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng, vì văn hoá ẩm thực này.
Bên cạnh công dụng “hoá độ” với các món ăn nhiều dầu mỡ, đây là món ăn giúp cân bằng hệ tiêu hoá, làm ấm bụng, tránh được chứng đầy hơi.
Củ kiệu tôm khô món ăn dân dã nhưng giúp giải vây sự ngán ngẩm trong mâm cỗ ngày tết của người miền Tây
Mứt chuối phồng
Vùng đất miền Tây được biết đến là thủ phủ trái cây, nhờ thiên nhiên ưu đãi về phù sa màu mỡ. Bên cạnh dưa hấu Long An là một trong những đặc sản trái cây nổi tiếng ở miền Tây, được nhiều người ưa chuộng dịp Tết. Thì ăn Tết miền Tây còn mang đến cho bạn món ăn đặc biệt yêu thích vào dịp cổ truyền, đó là món mứt chuối phồng. Mứt chuối có hương thơm thoang thoảng của gừng, của mè, dậy mùi chuối. Đây là món ăn chơi để dọn tiếp khách với nước trà. Hoặc dùng làm món tráng miệng sau khi đã thưởng thức nhiều món mặn.
Để làm mứt chuối phồng, người thợ sẽ đem chuối tẩm ướp với gừng, sau đó nghiền nhuyễn, xào chín với đường để tạo độ dẻo. Khi chuối đã đúng độ chín dẻo, người thợ sẽ để nguội rồi thêm đậu phụng vào để giảm độ ngọt, tăng hương vị cho mứt. Ngoài ra, món ăn còn được bao bọc bởi độ giòn tan của lớp bánh tráng bên ngoài, nên đem đến khẩu vị ăn vô cùng thú vị.
Mứt chuối phồng- món ăn tráng miệng được làm từ những nguyên liệu cây nhà lá vườn quen thuộc của người miền Tây